Giải mã 'cơn sốt' NFT
Trào lưu sưu tầm đồ NFT khiến nhiều người băn khoăn tại sao hàng triệu USD đang được chi ra chỉ để mua một tập tin có thể tải về miễn phí.
Chỉ trong vài tuần, cụm từ NFT đã trở thành chủ đề bàn luận của nhiều hội nhóm công nghệ và xuất hiện tràn ngập trên Internet. Dựa trên nền tảng công nghệ blockchain, mọi thứ từ thẻ cầu thủ bóng rổ, vật phẩm game, tranh, nhạc cho tới tweet đều có thể được giao dịch dưới dạng NFT trên các trang đấu giá online.
NFT là gì?
NFT viết tắt của Non-Fungible Token. Trong đó "fungible" thường được dùng trong lĩnh vực kinh tế, có nghĩa là các đơn vị riêng lẻ của một tài sản có thể thay thế cho nhau và về cơ bản, không thể phân biệt được với nhau. Ví dụ, hai tờ 5 USD hoàn toàn có thể hoán đổi với một tờ 10 USD và một tờ 10 USD lại có thể đổi với bất kỳ tờ 10 USD nào khác. Tương tự khi mua Bitcoin, người chơi không quan tâm mình nhận được đồng nào mà chỉ nhắm đến giá trị của nó. Đây là đặc điểm bắt buộc với một tài sản hoạt động như một phương tiện trao đổi.
Ngược lại với "fungible" là "non-fungible" - khi mỗi đơn vị của tài sản khác biệt với tất cả đơn vị khác và không thể thay thế cho nhau. NFT về cơ bản là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép. Nó được lưu trữ trong một blockchain và được sử dụng để đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử. Nhờ vào bản chất an toàn của công nghệ blockchain, hồ sơ về quyền sở hữu luôn có sẵn, không thể được sửa đổi và đảm bảo rằng chỉ có một chủ sở hữu tại một thời điểm.
Loại hình token NFT có thể được tìm thấy ở nhiều nền tảng blockchain khác nhau, nhưng hiện nay chủ yếu được tạo ra và sử dụng trên blockchain của Ethereum.
Nguồn gốc NFT
Ý tưởng về NFT không phải mới. Hệ thống token (mã thông báo) chạy trên blockchain của tiền điện tử đã được thử nghiệm trong gần một thập kỷ. Vào năm 2012, Yoni Assia lần đầu công bố Colored Coin trên blockchain Bitcoin với giá chỉ một satoshi, đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin. Mặc dù chưa phức tạp, ý tưởng của Colored Coin đã có nhiều điểm tương đồng với các NFT hiện tại. Đó là sử dụng blockchain làm giấy chứng nhận quyền sở hữu cho các tài sản, như đồ sưu tầm kỹ thuật số, phiếu giảm giá, tài sản, cổ phiếu... và nhiều hơn thế. Không may, Colored Coin ngay lập tức thất bại, bởi đơn giản Bitcoin không được tạo ra để hỗ trợ loại hình này.
Mặc dù vậy, cộng đồng người chơi tiền điện tử đã bắt đầu nhận ra tiềm năng của các tài sản được lưu trữ trên blockchain. Vào năm 2014, một nền tảng tài chính ngang hàng với mã nguồn mở có tên Counterparty đã được xây dựng trên nền tảng của blockchain Bitcoin, nhưng với nhiều cải tiến. Đây là một trong những nền tảng Bitcoin 2.0 đầu tiên và cũng là địa chỉ để người dùng tạo ra tiền tệ hoặc tài sản có thể giao dịch của riêng họ. Counterparty cũng nổi tiếng với các giao dịch mua bán meme Ếch Pepe hiếm.
Năm 2017, một sự thay đổi lớn diễn ra ở các nền tảng token chạy trên blockchain Bitcoin. Đó là sự xuất hiện của tiêu chuẩn ERC-721, cho phép phát hành và giao dịch các tài sản trên blockchain Ethereum. Như vậy, các nền tảng bên thứ ba như Counterparty sẽ không còn cần thiết trong giao dịch các NFT. Ethereum hoàn thiện NFT và trở thành người dẫn đầu thị trường tài sản được lưu trữ trên blockchain. Đây cũng là khoảng thời gian nhiều người biết đến NFT nhờ vào game nuôi mèo ảo CryptoKitties, cho phép người chơi nuôi, giao dịch mèo ảo bằng đồng Ether.
NFT có thể dùng làm gì
NFT có thể được sử dụng để phát hành các mặt hàng kỹ thuật số cũng như bộ sưu tập tiền điện tử độc nhất. Những token này có thể là một vật phẩm sưu tầm, một sản phẩm đầu tư hoặc một thứ gì đó khác.
Ngoài ra, nó còn thể áp dụng trong các giao dịch vật phẩm game. Trong khi nhiều trò chơi trực tuyến đã có nền kinh tế riêng cho người chơi mua bán, việc sử dụng blockchain để mã hóa hàng trong trò chơi sẽ là một bước tiến lớn trong nền kinh tế tiềm năng này. Trên thực tế, việc sử dụng NFT có thể giải quyết hoặc giảm vấn đề lạm phát phổ biến mà nhiều trò chơi gặp phải.
Một cách sử dụng NFT thú vị khác là mã hóa các tài sản trong thế giới thực. Các NFT này có thể đại diện cho các phần nhỏ của tài sản trong thế giới thực, sau đó được lưu trữ và giao dịch dưới dạng token trên blockchain. Điều này có thể tăng tính thanh khoản cần thiết cho nhiều thị trường ít người quan tâm như đồ mỹ nghệ, tranh ảnh, đồ sưu tầm quý hiếm.
Nhận dạng kỹ thuật số cũng là một lĩnh vực có thể được hưởng lợi từ các đặc điểm của NFT. Lưu trữ dữ liệu nhận dạng và quyền sở hữu trên blockchain sẽ tăng cường quyền riêng tư và tính toàn vẹn của dữ liệu cho nhiều người dùng. Đồng thời, quá trình chuyển nhượng dễ dàng các tài sản này có thể làm giảm sự cọ xát thương mại trong nền kinh tế toàn cầu.
Nguy cơ của NFT
Sức hút lớn nhất của công nghệ này khi bất kỳ ai cũng có thể tạo ra NFT lại là một trong những điểm yếu chính của nó. Bất kỳ ai trên Internet đều có thể tạo NFT từ bất cứ thứ gì. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều token vô giá trị trên mạng. Sự khan hiếm của một vật phẩm không đảm bảo cho giá trị của nó sẽ tăng, do đó, người chơi có thể chịu khoản lỗ nặng khi cơ sốt NFT hạ nhiệt.
Thị trường NFT chịu sự biến động lớn một phần là do chưa có bất kỳ cơ chế nào để giúp mọi người định giá tài sản. Trong năm 2020, giá trị của một số loại NFT phổ biến đã tăng khoảng 2.000%. Tuy nhiên, trong một thị trường mà nhiều người tham gia hoàn toàn có thể sử dụng tên giả, gian lận cũng là một rủi ro.
Đăng Thiên tổng hợp